Ngày 30.5.2012, Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT – BLĐTBXH – BYT hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại.


Theo đó, người LĐ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ các điều kiện sau: Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐTBXH ban hành; đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh.
Việc xác định các yếu tố quy định phải được thực hiện bởi đơn vị đủ điều kiện đo, kiểm tra môi trường lao động theo quy định tại TT số 19/2011/TT – BYT ngày 6.6.2011 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp. Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau: Mức 1: 10.000 đồng; mức 2: 15.000 đồng; mức 3: 20.000 đồng; mức 4: 25.000 đồng.
Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật theo đặc điểm điều kiện lao động thực hiện theo quy định. Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca hoặc ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, vệ sinh; không được trả bằng tiền; không được đưa vào đơn giá tiền lương. Trường hợp do tổ chức lao động không ổn định, không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ được, người sử dụng LĐ phải cấp hiện vật cho người LĐ để người LĐ có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng LĐ phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người LĐ; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của người LĐ. Người LĐ làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, độc hại từ 50% thời gian tiêu chuẩn trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng, nếu làm dưới 50% thời gian tiêu chuẩn của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng. Trường hợp phải làm thêm giờ, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với giờ làm thêm.
Đối với các công việc có điều kiện lao động phức tạp mà chưa thể xác định ngay mức bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định tại thông tư này, người sử dụng LĐ phải tổng hợp các chức danh nghề, công việc đề nghị bồi dưỡng bằng hiện vật gửi bộ, ngành hoặc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trực tiếp quản lý tổng hợp và có ý kiến để Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xem xét quyết định. Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 15.7.2012.